Thầy Minh Tuệ, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh, là một người đặc biệt đã dành cả cuộc đời để tu tập theo hạnh khổ hạnh đầu đà mà không thuộc bất kỳ tổ chức Phật giáo nào. Bắt đầu hành trình từ năm 2017, Thầy đi bộ xuyên Việt, sống đơn sơ với một bữa ăn chay mỗi ngày và tự may quần áo từ vải nhặt được bên đường. Thầy dừng chân qua đêm ở nghĩa trang hoặc những nơi hẻo lánh, mang theo tâm nguyện cầu cho mọi người hạnh phúc và an lạc.
Điều khiến người đời nể phục ở Thầy Minh Tuệ không chỉ là sự kiên trì mà còn là tinh thần từ bi và khiêm nhường hiếm có. Dù hành trình đầy gian khổ, Thầy không nhận bất cứ sự giúp đỡ dư thừa nào, chỉ nhận vừa đủ để duy trì thân mạng. Thầy luôn nhắc nhở những người đồng hành rằng con đường tu tập là hành trình cá nhân, không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức hay danh tiếng nào.
Gia đình của Thầy, dù không liên lạc với Thầy từ khi Thầy xuất gia vào năm 2015, vẫn luôn ủng hộ và cầu chúc cho Thầy vững bước trên con đường tu tập. Cha Thầy, ông Lê Xuân, chia sẻ rằng dù thương con vì cuộc sống kham khổ, gia đình luôn tôn trọng lựa chọn này, tin rằng Thầy đã tìm thấy ý nghĩa chân chính của cuộc đời.
Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác nhận rằng Thầy Minh Tuệ không phải là tu sĩ chính thức thuộc hệ thống giáo hội. Dẫu vậy, điều này không làm giảm đi giá trị tu tập và thông điệp sống của Thầy, rằng vật chất chỉ là phương tiện, hạnh phúc đến từ việc hoàn thiện bản thân.
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ với dáng dấp đơn sơ, tâm nguyện thanh cao và đôi chân bền bỉ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Thầy là minh chứng sống động rằng, trong xã hội đầy rẫy những sự nhiễu nhương, vẫn còn những tấm gương sáng về sự giản dị, từ bi, và tinh thần phụng sự.
Nguyện cầu Thầy luôn chân cứng đá mềm, vượt qua mọi thử thách trên hành trình, mang theo ánh sáng của sự tu tập chân chính và lan tỏa tinh thần thiện lành đến mọi miền đất nước.
Tìm hiểu thêm về thầy Thích Minh Tuệ – Wikipedia tiếng Việt
Những thước phim quý giá về Thầy:
Vô sở hữu - Hà Văn Long
Bộ phim tài liệu "Vô sở hữu" giới thiệu hành trình sống giản dị và giác ngộ tinh thần của các nhà sư Thích Minh Tuệ. Bộ phim khám phá triết lý buông bỏ, lối sống tối giản, và sự tự do nội tâm thông qua hình ảnh tuyệt đẹp và những chia sẻ chân thành.
Thích Minh Tuệ, nhà sư nổi tiếng tại Việt Nam, đã thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt suốt 6 năm, lan tỏa giáo lý từ bi của đạo Phật. Hành trình của Thầy không chỉ là thử thách bản thân mà còn là cơ hội kết nối cộng đồng, giúp mọi người tìm thấy bình an và niềm tin trong cuộc sống. Thầy trở thành biểu tượng của sự kiên trì và lòng từ bi, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng.
Cuốn sách đầu tiên về thầy:
Hương Bay Ngược Gió: Bước Chân Tập Học Của Hành Giả Thích Minh Tuệ
Tôi chuyển thoại video về sư Minh Tuệ, từ nghe nhìn sang văn bản đọc, tính đến nay cũng đã được khoảng hai mươi bảy video.
Hai mươi bảy video với thời lượng hơn hai mươi giờ. Nhưng thực tế, tôi cần đến hơn hai trăm giờ mới có thể hoàn tất công việc ghi chép này.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi nhận ra mình ngưỡng mộ sư Minh Tuệ không phải vì ngài là một nhà sư của Phật giáo, mà là tôi ngưỡng mộ sư với tư cách một cá nhân ngưỡng mộ một cá nhân cùng thời, cùng thế hệ.
Sư là một tấm gương hiếm có của một người tự do, tự do chọn lựa cách sống của mình. Sư không thích sự ràng buộc, không chỉ với gia đình, đúng với tinh thần xuất gia, giữ gìn sự bình đẳng trong các mối quan hệ, mà còn là với bất kỳ tổ chức nào. Nhưng sư vẫn tuân thủ tuyệt đối luật pháp của đời, tuân thủ tuyệt đối giới luật và kinh pháp của Đức Thế Tôn, tức tôn giáo mà sư đang theo, đề ra.
Sư là người nói được và làm được, nói và làm luôn nhất quán. Sư là người có lòng can đảm và từ bi. Sư có khả năng kham nhẫn và chịu đựng tột cùng. Sư không biết nói dối, nói láo. Sư sống vui vẻ, lạc quan và luôn lan tỏa những điều tích cực.
Chưa kể, sư còn là một người khiêm nhường rất mực. Khiêm nhường, hạ thấp mình trước thiên hạ khi tự xưng là “Con”. Điều này khác hoàn toàn với cách sống thượng đội hạ đạp mà ta đang trực tiếp nhìn thấy nhan nhản, khắp nơi: cúi đầu trước miếng ăn, nói lời bợ đỡ trước danh lợi, rạp người tung hô trước quyền thế, cô lập và bắt nạt kẻ yếu, không tấc sắt trong tay.
Sư càng không phải là hạng trục lợi vì bản thân, cho bản thân. Không vì sự ái mộ của nhân sinh mà mưu toan thành lập đế chế cho riêng mình. Sư phát nguyện, cũng giống như một lời thề độc: suốt đời khất thực, suốt đời bộ hành, suốt đời tam y nhất bát, suốt đời không có đệ tử, kẻ theo hầu, suốt đời không có chùa chiền lăng miếu riêng.
Chỉ bấy nhiêu đức tính, phẩm tính ấy thôi, sư cũng đã đủ là tấm gương soi cho không biết bao người, những người đặc biệt yêu thích sự tự do, công chính, công bằng; yêu thích sự liêm minh, chánh trực, nói lời giữ lời; yêu thích một cuộc sống đạo đức, ung dung, tự tại.
Tôi kính trọng và tán thán, ngợi ca sư Minh Tuệ, là bởi các lý do như vừa trình bày ở trên, cũng như sẵn sàng kính trọng và tán thán mọi tấm gương, mọi nỗ lực, mọi phấn đấu khác trong cuộc đời. Còn thở thì tôi sẽ còn phân biệt được, đâu là lẽ phải, đâu là nơi để mình đặt niềm tin, đâu mới là con đường cho mình đi và đến.
Mệnh đề “còn thở thì còn” này, hay còn gọi là lời phát nguyện, tôi lấy nguyên văn trong một câu trả lời của sư Minh Tuệ.
CÒN THỞ THÌ CON CÒN BỘ HÀNH KHẤT THỰC!
Những sơ sót nếu có trong quá trình chuyển soạn, mong bạn đọc lượng thứ và góp ý giúp tôi để hoàn thiện trong những lần in kế tiếp.
Trân trọng!
Sài Gòn, 24.07.2024
Phạm Hiền Mây